Vụ “bỗng nhiên “phải” thoát nghèo ở Cần Giờ”

Tìm cách giúp dân thoát nghèo bền vững

Liên quan đến việc tính gộp tiền bồi thường ô nhiễm môi trường vào thu nhập của những hộ nghèo ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) “giúp” những hộ này thoát nghèo, nhiều ý kiến cho rằng cách làm như thế là không phù hợp. Theo đó, để người dân thoát nghèo một cách thật sự thì chính quyền cần xem đó là đồng vốn để giúp người dân làm ăn, phát triển để tạo ra nguồn thu nhập bền vững hơn.

“Đó không phải tiền dân tạo ra”

Ngày 5-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho biết số tiền mà người dân nhận bồi thường từ vụ Vedan là không phải tiền người dân tạo ra mà là tiền được bồi thường từ những tổn thất trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà công ty này gây ra. “Như vậy áp dụng vào để tính tổng thu nhập của người dân rồi quy ra người ta thoát nghèo như vậy là chưa ổn lắm” - ông Hùng nhìn nhận. Theo ông Hùng, muốn tính một người thoát nghèo phải dựa trên nhiều tiêu chí như đời sống, nhà cửa, vấn đề học hành của con cái họ… như thế nào. “Chứ đằng này người dân có tiền nhưng cuộc sống họ vẫn gặp nhiều khó khăn thì không thể tính họ thoát nghèo được” - ông Hùng nói.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng việc xã Thạnh An gộp số tiền mà người dân nhận bồi thường từ vụ Vedan là chưa phù hợp. Vì đây không phải là thu nhập bình thường, thường xuyên của người dân tạo ra mà là tiền bồi thường do tổn hại kinh tế từ vụ Vedan. “Muốn tính một người thoát nghèo thì phải xem một tháng người ta làm được bao nhiêu tiền rồi từ đó xem một năm họ có vượt qua mức quy định là 12 triệu đồng/năm/người hay không chứ không thể căn cứ vào số tiền họ được nhận do bồi thường rồi bảo là họ đã thoát nghèo được” - luật sư Hậu ý kiến.

Ông Trần Văn Mềm (trái) và bà Trần Thị Ngọc Hai (ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An) bức xúc về việc tính gộp tiền bồi thường do ô nhiễm môi trường vào thu nhập để đưa gia đình ông, bà thoát nghèo. Ảnh: LÊ THOA

Cần hợp lý, hợp tình hơn

Theo ông Hùng, để giúp cho người dân thoát nghèo thì chính quyền cần tổ chức, hướng dẫn người dân cách sử dụng đồng vốn, đầu tư sao cho hợp lý. Để từ đó người ta có thu nhập ổn định hằng tháng, hằng năm thì mới là cách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả nhất. “Khi đó để biết người dân có thật sự thoát nghèo hay không thì chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo của xã cần rà soát, kiểm tra từng trường hợp cụ thể xem người dân có thật sự thoát nghèo hay không” - ông Hùng nói. Còn nếu chính quyền địa phương tính như vậy thì người dân sẽ bị thiệt thòi vì có tiền nhưng chưa chắc họ biết cách quản lý, sử dụng số tiền này hợp lý.

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng chính quyền xã đảo Thạnh An tính như thế để đưa dân thoát nghèo, dù có viện dẫn lý lẽ thì cách “giúp người dân thoát nghèo” như thế là quá máy móc, cứng nhắc. Vì đồng tiền bồi thường thiệt hại cần phải để bà con trang trải chi phí khắc phục những hậu quả do việc ô nhiễm gây ra để ổn định cuộc sống của mình chứ không phải là số tiền được ban phát, đem tính gộp vào thu nhập rồi cho người dân thoát nghèo. Theo ông Khoa, cách làm đó không những không hợp tình mà còn không hợp lý, dễ gây bất bình cho dân nghèo. “Tôi mong rằng chính quyền xã Thạnh An, lãnh đạo TP.HCM cùng các cơ quan chức năng và các đoàn thể cùng nhau bàn bạc, xem xét lại vấn đề này để đem lại đúng quyền lợi cho người dân” - ông Khoa đề nghị.

Cũng theo ông Khoa, trách nhiệm của chính quyền là phải có biện pháp tốt hơn cho người dân trong việc khắc phục hậu quả, sử dụng số tiền đó phù hợp để phát triển đời sống của mình. Còn “để thoát nghèo bền vững nên chăng có biện pháp khác như tạo cơ hội nghề nghiệp, cơ hội làm ăn, tạo phương tiện sản xuất để người dân có con đường mưu sinh lâu dài” - ông Khoa nói.

MINH QUÝ - TÁ LÂM

Khảo sát lại để xem xét những trường hợp tái nghèo

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ nguyên là lãnh đạo của xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) cho biết xã Thạnh An có khoảng 400 hộ nhận được tiền bồi thường từ Vedan. Trong số này có khoảng 200 hộ đã thoát nghèo do tính gộp tiền bồi thường từ vụ Vedan vào thu nhập của người dân. Vị này cho biết con số thoát nghèo đó vượt cả chỉ tiêu mà xã được giao. Tuy nhiên, điều này không giúp xã Thạnh An đạt được thành tích khen thưởng gì, vì đây được xem là điều tất nhiên. “Người dân được nhận tiền bồi thường, cộng vô thu nhập thì người ta vượt nghèo vậy thôi” - vị này nói.

Khi được hỏi cách tính cộng tiền bồi thường ô nhiễm môi trường vào thu nhập để đưa người dân thoát nghèo như thế có phù hợp với quy định hiện hành không, vị này cho rằng không có quy định nào bắt phải trừ ra hoặc không được cộng vô. Vì vậy khi khảo sát thu nhập người dân, số tiền trên được cộng luôn vào thu nhập ở thời điểm đó. Và vì thu nhập ở thời điểm vượt chuẩn nghèo quy định nên… họ thoát nghèo.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, hiện nay những hộ nhận số tiền bồi thường được xếp vào diện thoát nghèo ấy có hộ vươn lên làm ăn khấm khá nhưng cũng có hộ tiêu hết tiền thì tái nghèo. “Thường đầu năm hoặc giữa năm xã sẽ đi điều tra lại hoặc các ấp người ta đề xuất lên về tình hình những hộ vượt nghèo, tái nghèo và những hộ nghèo mới phát sinh để chính quyền xem xét lại” - vị này cho biết.

Về vấn đề này, một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cũng cho hay một năm có hai lần khảo sát để xem xét hộ nào thoát nghèo, hộ nào không. Nếu như sáu tháng đầu người ta đủ tiêu chuẩn thoát nghèo thì đưa ra khỏi danh sách. Sau sáu tháng sẽ phúc tra lại nếu người ta có thu nhập thấp hơn quy định thì vẫn được đưa vào danh sách và hưởng những trợ cấp cho người nghèo theo quy định.

LÊ THOA - MINH QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm