Mới đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM tiếp nhận bà TTHM (46 tuổi, TP.HCM) trong tình trạng sốt cao, ớn lạnh, thở gấp, tim đập nhanh, đau nhức, khó chịu…
Té ra bị mụn nhọt “hành”
Bà M. cho biết cách nay một tháng ở mông bà mọc một cái nhọt, thỉnh thoảng đau nhức, bà thường dùng tay sờ và ấn mụn cho đỡ ngứa và khó chịu.
Vài ngày sau, cái nhọt cứ sưng dần lên khiến bà M. càng đau nhức hơn. Sẵn có móng tay dài, bà liên tục gãi nhọt rồi nhặn mạnh đến nỗi nhọt bị bể, lồi cồi.
“Tưởng vậy là xong, ai dè vài ngày sau chỗ đó bắt đầu bị loét và ngứa, tôi không chịu nổi cứ gãi nhưng cũng không bớt. Hơn tuần sau đó tôi bị sốt, loạn nhịp tim, mạch nhanh nên đến BV Da liễu TP.HCM khám và tá hỏa khi nghe bác sĩ (BS) nói mình bị nhiễm trùng huyết. May là chỉ bị nhẹ nên BS khuyên nằm viện vài ngày” - bà M. kể.
Nặn mụn nhọt dễ có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng huyết. Ảnh: BV CUNG CẤP
Trường hợp nhiễm trùng huyết do tự chích mụn nhọt nữa là ông VVT (44 tuổi, ngụ Đồng Nai). “Ban đầu bụng tôi nổi một vài nốt đỏ bé tí rồi lan rộng dần. Sau đó một mụn nhọt đỏ xuất hiện gây nóng da, sưng và đau. Vài ngày sau nó đã lớn bằng hạt đậu, có đốm vàng, tôi lấy kim chích mụn nhọt rồi nặn” - ông T. kể.
Cứ tưởng nặn được cồi mụn ra luôn là sẽ lành nên ông T. chủ quan không theo dõi. “Độ một tuần sau, vị trí mụn nhọt bị lở loét, tôi bị sốt cao, thở gấp, mệt mỏi… nên tới BV Da liễu TP.HCM. Sau khi khám, BS nói tôi bị nhiễm trùng huyết do mụn nhọt viêm nhiễm” - ông T. cho biết thêm.
Giữ sạch sẽ vùng nhọt bị vỡ
“Nhiễm trùng huyết là một trong những biến chứng do mụn nhọt gây ra bởi không được vệ sinh kỹ càng. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong” - BS Dương Lê Trung, khoa Lâm sàng 1 thuộc BV Da liễu TP.HCM, nói.
Theo BS Trung, nhiều người có thói quen tự chích hoặc nặn mụn nhọt cho cồi ra ngoài, việc này không nên bởi sẽ làm vết thương dễ nhiễm trùng và viêm nặng hơn, nguy cơ bị nhiễm trùng huyết như hai trường hợp trên. “Đó là chưa nói mụn nhọt còn là ổ nhiễm trùng và dễ lây lan rộng nên có nguy cơ xuất hiện những mụn nhọt khác ở vị trí lân cận” - BS Trung cho biết thêm.
“Khi bị mụn nhọt thì chườm ấm là cách hiệu quả nhất. Dùng khăn sạch nhúng vào nước ấm nhiệt độ vừa phải rồi chườm lên mụn nhọt 10-15 phút, ngày3-4 lần cho đến khi nhọt vỡ và tháo mủ. Sau đó giữ vệ sinh sạch sẽ vùng nhọt đã vỡ bằng cách dùng miếng gạc vô trùng băng lại, hạn chế vi khuẩn lây lan vùng da xung quanh” - BS Trung khuyên.
Cũng theo BS Trung, nhọt là tình trạng nhiễm trùng da tại vị trí nang lông, tuyến bã nhờn. Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, thông thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là vùng lỗ mũi, nách, kẽ mông, bụng, ngực… rồi xâm nhập vào nang lông thông qua vết cào, gãi kèm các yếu tố thuận lợi như béo phì, tiểu đường, tình trạng miễn dịch suy giảm, phát triển thành mụn nhọt.
Nhọt là những nốt sưng viêm tấy đỏ và có thể kèm cảm giác đau nhức trên da. Sau 1-2 ngày những nốt này có thể hóa mủ bên trên và sau đó gây chảy mủ. Thường mụn nhọt có thể tự ổn định trong khoảng 1-3 tuần nhưng nếu thấy xuất hiện những nốt mới hoặc sưng, đau nhiều hơn kèm các dấu hiệu sốt, mệt mỏi… thì nên đến BV hoặc phòng khám da liễu để được khám và điều trị. Mụn nhọt ở vị trí mí mắt gọi là lẹo mắt và hết sức thận trọng. Không nên trang điểm vùng da mắt, cũng như không sử dụng kính áp tròng trong thời gian bị lẹo mắt. BS DƯƠNG LÊ TRUNG, khoa Lâm sàng 1 thuộc BV Da liễu TP.HCM |