Lễ Độc lập 2-9-1945 qua tường thuật của báo chí đương thời

Ngày 2-9-1945 là một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc: ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á và châu Á. 

Báo Nước Nam số 282. Ảnh tư liệu

Náo nức ngày vui đầu tiên của dân tộc trong thế kỷ XX

Chương trình lễ Độc lập được hồi ức Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại chi tiết, theo đó nội dung lễ Độc lập bao gồm:

1. Lễ thượng cờ với cờ đỏ sao vàng được kéo lên, bài Tiến quân ca được vang lên với tư cách Quốc ca của nước Việt Nam mới độc lập;

2. Các thành viên Chính phủ lên kỳ đài, ra mắt quốc dân;

3. Đại biểu ban tổ chức Nguyễn Hữu Đang thông qua chương trình buổi lễ, giới thiệu Chính phủ lâm thời;

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập;

5. Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân;

6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giãi bày tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ;

7. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu tường trình việc nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại ở Huế;

8. Đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng thuật lại cuộc tranh đấu giành độc lập, kêu gọi quốc dân ủng hộ Chính phủ;

9. Quốc dân tuyên thệ;

10. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm vài lời với quốc dân;

11. Kết thúc lễ, quốc dân hát Tiến quân ca và các đoàn thể biểu tình qua các con phố.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Báo chí dạo ấy, nhiều tờ đưa tin tường thuật sự kiện trọng đại của dân tộc. Ở đây, chúng tôi theo tường thuật của báo Nước Nam và báo Cứu quốc đã tái hiện không khí ngày lịch sử ấy nơi quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Báo Nước Nam, số 282, ra ngày 8-9-1945 có bài “Ngày Độc lập ở Hà Nội”.

Ngày hôm ấy, nhằm đúng ngày Chủ nhật, đồng bào khắp nơi nô nức tụ họp về nơi diễn ra sự kiện trọng đại, vườn hoa Ba Đình.

Báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5-9-1945 trong bài viết “Cuộc mít-tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ “Ngày Độc lập” ghi lại cảnh tượng ấy:

“Mới từ 12 giờ trưa, những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình, nơi đã chọn để cử hành lễ “Ngày Độc lập”, đã thấy cuồn cuộn những giòng [dòng] người chảy đến. Đủ mặt các giới, các đoàn thể. Các anh em công nhân, các nhân viên sở công sở tư, các bô lão trong thành phố, các chị em phụ nữ, các anh em thanh niên, các trẻ em nhi đồng”.

Đến với ngày lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc ngày hôm ấy, ghi nhận cái không khí đúng nghĩa của đồng bào: “Tất cả, hôm đó, đều không còn giữ sự phân biệt của mọi ngày thường về đẳng cấp, về tín ngưỡng, về nam nữ, về thế hệ… Đến đấy, ai cũng chỉ còn là một người dân Việt Nam giữa những người dân Việt Nam khác đi đón nhận lời tuyên bố chính thức về cuộc độc lập của nước nhà”.

Báo Cứu quốc số 36. Ảnh tư liệu

Nơi trung tâm của sự kiện là diễn đàn cao được căng vải đỏ và trắng với máy truyền thanh đặt trên diễn đàn, chỉ chờ đến giờ quy định là tiến hành buổi lễ.

Lời non sông vang vọng: Ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Theo báo Nước Nam cho biết đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bộ trưởng tới vườn hoa Ba Đình. Và buổi lễ chính thức diễn ra lúc 2 giờ 30 chiều hôm ấy: “2 giờ rưỡi cử hành lễ chào cờ rất tôn nghiêm”.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam hiện đại, bài Tiến quân ca, quốc ca chính thức của nước Việt Nam mới được vang lên giữa trời Hà Nội. Báo Cứu quốc số 36 ghi lại phút giây thiêng liêng ấy:

“Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên ngọn cột cờ, trong khi đội âm nhạc cử bài “Tiến quân ca”. Trên kỳ đài các nhân viên Chính phủ, đầu trần, đứng lên dơ [giơ] nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng dơ [giơ] lên. Một yên lặng trang nghiêm. Một quang cảnh vừa lớn lao vừa rung động”.

Sau đó, chương trình buổi lễ được đại diện ban tổ chức là Nguyễn Hữu Đang thông qua, đồng thời giới thiệu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Phần quan trọng nhất của lễ Độc lập, chính là bản Tuyên ngôn Độc lập. Báo Nước Nam số 282 chép: “3 giờ, Hồ Chủ tịch ngỏ lời chào quốc dân và tuyên bố nền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam”.

Ký họa chân dung Hồ Chủ tịch trên báo Cờ giải phóng số 16, 12-9-1945. Ảnh tư liệu

Bản Tuyên ngôn Độc lập vừa được Hồ Chủ tịch đọc xong, thì ở dưới không khí hồ hởi được báo Cứu quốc số 36 lột tả sống động: “Rứt [dứt] lời tuyên ngôn đanh thép có một giá trị lịch sử lớn lao, tất cả quốc dân dưới đài đều đồng thanh cất tiếng lên hoan hô như sấm vang, trong một sự nhiệt liệt say sưa chưa bao giờ thấy”.

Tiếp theo chương trình, các thành viên Chính phủ làm lễ tuyên thệ: “Sẽ kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc lập, sẽ quyết vượt qua mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Theo báo Nước Nam số 282, sau đó Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp lên nói về tình hình trong nước và tình hình ngoại giao. Rồi đến lượt Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu “kể lại cuộc hành trình vào Huế, và lễ thoái vị của vua Bảo Đạo”.

Sau này, trong Hồi ký Trần Huy Liệu, tác giả họ Trần có ghi lại ấn tượng của ông về ngày lễ Độc lập dẫu khá ngắn gọn: “Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Tôi cũng báo cáo về phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch”.

Chương trình lễ Độc lập tiếp diễn với phần phát biểu của đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng với nội dung được báo Cứu quốc số 36 ghi lại là tóm lược cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Minh và “kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ để Chính phủ có thể thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh”.

Sau lời phát biểu ấy là lễ tuyên thệ của toàn thể quốc dân “biểu lộ rõ cái ý chí bền vững không gì lay chuyển được của cả một dân tộc, đã quyết giữ vững lấy tự do, độc lập của mình bằng bất cứ một giá nào”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại với lời kêu gọi đoàn kết toàn dân.

Lễ Độc lập đến đây kết thúc mà theo lời báo Nước Nam là ở thời điểm 4 giờ rưỡi. Bài “Tiến quân ca” lại một nữa được đội âm nhạc nhà binh cử lên, toàn dân đồng thành hát vang.

Cuộc mít tinh sau đó “biến thành một cuộc biểu tình vĩ đại. Các đoàn thể biểu tình riễu [giễu] quanh kỳ đài rồi chia ra… đường kéo đi… Những giòng [dòng] người ấy chẩy mãi đến hơn hai giờ mà vẫn chưa hết”, theo báo Cứu quốc số 36 ghi.

Lời tuyên thệ của Chính phủ đăng toàn văn trên báo Trung Bắc Tân Văn, số 261, ngày 9-9-1945. Ảnh tư liệu

Với lời khẳng định của Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Lời khẳng định đanh thép ấy khẳng định một chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khẳng định một sự vận động lịch sử tất yếu của lịch sử: Độc lập, tự do cao hơn hết thảy.

Với bảnTuyên ngôn Độc lập vang lên giữa nắng thu Ba Đình ngày 2-9-1945, dân tộc Việt Nam chính thức bước vào hàng ngũ những quốc gia độc lập, tự do, thoát ly khỏi hệ thống thuộc địa, phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân, và sẵn sàng đương đầu với những âm mưu xâm lược tiếp theo của kẻ thù. Sức mạnh của bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử qua 75 năm vẫn vẹn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ‘Dân tộc - Tổ quốc - Nhân dân’
Chủ tịch Hồ Chí Minh với ‘Dân tộc - Tổ quốc - Nhân dân’
(PL)- Nhìn một cách xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả trong Tuyên ngôn độc lập lẫn Di chúc của Người, tôi thấy tình cảm xuyên suốt hai văn kiện này là ba từ, sáu chữ, đó là “Dân tộc”, mà Hồ Chí Minh quen dùng từ Giống nòi; “Tổ quốc” - Đất nước; và “Nhân dân” hay Đồng bào - cội nguồn sức mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm