Bộ Công an cảnh báo lãi suất vay ‘cắt cổ’

Ngày 1-11, Bộ Công an phát đi cảnh báo đối với người dân về tình trạng vay tiền trực tuyến với lãi suất “cắt cổ”. Theo đó, Cục Cảnh sát hình sự vừa phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do nhiều người Trung Quốc cùng đồng phạm thực hiện tại nhiều tỉnh, thành.

Đe dọa, hạ uy tín người quen của con nợ

Những người này cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Tất cả giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị gọi đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của họ để nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc phải trả nợ.

Về cách thức cho vay, một số người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là app). Điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” vừa bị lực lượng công an triệt phá.

Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải ứng dụng về điện thoại di động của mình. Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh CMND hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng. Người vay bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động”.

Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app.

Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút là hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ gọi điện thoại nhắc nhở trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục gọi điện thoại đòi nợ.

Nếu sau vài ngày, số tiền nợ và tiền lãi vẫn chưa được thu hồi, các nhân viên sẽ gọi điện thoại “khủng bố” tất cả người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền để chuyển tiền trả nợ.

Thông báo của một công ty cho vay có nội dung xúc phạm người vay và những người quen của họ nhằm gây áp lực trả tiền. Ảnh: T.VŨ

Một trường trên địa bàn TP Cà Mau, nơi ban giám hiệu và nhiều giáo viên bị “khủng bố” vì một cô giáo ở đây vay tiền qua mạng. Ảnh: T.VŨ

Biến tướng của tín dụng đen

Cơ quan công an xác định từ tháng 4-2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua ba ứng dụng nói trên với tổng số tiền các đối tượng cho vay khoảng 100 tỉ đồng.

Theo Bộ Công an, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay tín dụng đen, cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới. Bộ Công an cảnh báo người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này.

Cơ quan này đồng thời khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, website) trên mạng Internet.

Giáo viên vay, hiệu trưởng bị “khủng bố”

Cuối tháng 10-2019, nhiều giáo viên và cả hiệu trưởng của một trường tại TP Cà Mau trình báo công an việc bị “khủng bố”.

Theo đó, có nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy bàn của hiệu trưởng TVT và bốn giáo viên yêu cầu có trách nhiệm hối thúc cô giáo của trường là LTTL trả các khoản nợ vay trên mạng xã hội. Mỗi người bị gọi hàng trăm cuộc mỗi ngày, chặn số này họ gọi số khác. Cùng với đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông báo của một đơn vị tự xưng là Công ty H. có nội dung bôi nhọ những giáo viên này đồng lõa với cô giáo L. để lừa đảo.

Về phía cô LTTL, cô thừa nhận có vay tiền trên mạng xã hội từ đầu năm 2019 nhưng khó khăn nên chưa thể trả. Trong sáu khoản cô vay, có khoản mức lãi suất đến 84%/tháng. Cô L. không ngờ nhóm cho vay lại đòi nợ kiểu “khủng bố” đồng nghiệp của cô như vậy.

TRẦN VŨ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm