Bánh mì Việt Nam - Hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt của người Việt

(PLO)- Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, bánh mì Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong nền ẩm thực Việt Nam và trên thế giới. Tương lai bánh mì Việt Nam sẽ còn vươn xa và đóng vai trò quan trọng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Bánh mì Việt Nam - Hiện tượng văn hóa ẩm thực đặc biệt của người Việt

Tại hội thảo chuyên đề “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” (nằm trong khuôn khổ Lễ hội bánh mì Việt Nam) diễn ra tại TP.HCM, chiều 30-3, các chuyên gia đã chỉ rõ: bánh mì Việt Nam có vị thế riêng trên nền ẩm thực thế giới. Vì vậy, cần có các giái pháp hợp lý để bánh mì phát triển trong tương lai, đặc biệt là gắn với sự phát triển du lịch tại Việt Nam.

Hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” diễn ra vào ngày 31-3, tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM.

Hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” diễn ra vào ngày 31-3, tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM.

Bánh mì trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam

Ths Nguyễn Hữu Tín, Trưởng bộ môn Du Lịch, Trường đại học Tôn Đức Thắng cho biết bánh mì Việt Nam không chỉ là món ăn đường phố, mà còn là món ăn có độ tinh tế sang trọng, theo chân người Việt đi khắp nơi trên thế giới.

“Như tại Hong Kong, Le Petit Saigon là nhà hàng món Việt cực kỳ nổi tiếng với món bánh mì nhân gà, xíu mại, heo và bánh chay. Hay thương hiệu bánh mì Kêu! cũng là địa điểm bán bánh mì Việt ngon nức tiếng tại phố Old Street ở thủ đô nước Anh. Ở Nhật Bản, quán Banh Mi Sandwich khiến bao thực khách của xứ sở hoa anh đào yêu thích với những ổ bánh mì Việt nhân bò nướng, giăm bông, heo, gà và pate ngon tuyệt hảo…”, ông Tín cho biết.

Khách tham quan và thưởng thức các loại bánh mì tại Lễ hội bánh mì lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM

Khách tham quan và thưởng thức các loại bánh mì tại Lễ hội bánh mì lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM

Cũng theo ông Tín bánh mì Việt Nam chất chứa cả một hành trình dài mang bản sắc văn hóa, ẩm thực. Bánh mì Việt Nam đã chứng minh không có ranh giới giữa các quốc gia, giàu nghèo hay đẳng cấp.

Chia sẻ về bánh mì trong tương lai, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, Ban đào tạo Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM và TS Võ Văn Thành, Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, cho biết bánh mì Việt Nam là một sản phẩm vô cùng đặc biệt, là sự kết hợp độc đáo của hai luồng văn hóa Đông - Tây. Trong tương lai, bánh mì Việt Nam không chỉ tiếp tục được giữ nguyên những giá trị truyền thống mà sẽ được sáng tạo và phát triển.

Hội thảo “

Hội thảo “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” diễn ra vào ngày 31-3, tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM. Ảnh: TRẦN MINH

Hai vị chuyên gia cũng đề xuất góp phần cho sự phát triển của bánh mì trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Nên để bánh mì Việt Nam được tự do phát triển, cùng với đó, người làm bánh mì nên tập hợp, hệ thống hóa, xây dựng một phương án ghi chép lại những phương pháp làm bánh mì đã từng xuất hiện tại Việt Nam, từ đó để các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn.

Xây dựng một số nhận thức đúng đắn về bánh mì Việt Nam, thừa nhận nguồn gốc của bánh mì Việt Nam là do ảnh hưởng của bánh mì châu Âu, từ đó làm nền tảng để khẳng định bánh mì Việt Nam là một giá trị riêng, xứng đáng có một vị trí riêng trên nền tảng bản đồ ẩm thực thế giới.

Bánh mì Việt Nam trong du lịch

ThS Vũ Thị Thu Hương, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ bánh mì từ một món ăn bình dân, phổ biến và đến nay đã trở nên nổi tiếng, được du khách quốc tế yêu thích, được nhiều tổ chức ẩm thực uy tín trên thế giới bình chọn, đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay tại TP.HCM, ngành Du lịch vẫn chưa tận dụng được lợi thế của bánh mì để đưa vào khai thác, phục vụ du lịch một cách hiệu quả.

Bánh mì của các nghệ nhân trưng bày tại Lễ hội bánh mì.

Bánh mì của các nghệ nhân trưng bày tại Lễ hội bánh mì.

Theo đó, bà Hương đã đề ra năm giải pháp góp phần đem bánh mì góp phần vào sự phát triển du lịch tại TP.HCM, năm giải pháp gồm: Giải pháp phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật; Giải pháp về nguồn nhân lực; Giải pháp về sản phẩm; Giải pháp về xúc tiến quảng bá; Giải pháp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

“Trước hết nên xây dựng một khu vực dành riêng cho ẩm thực, cho các món ăn đường phố trong đó có bánh mì tại TP.HCM. Nâng cao hiệu quả kinh doanh bánh mì, chú trọng hơn đến khâu phục vụ của nhân viên bởi họ chính là sứ giả mang thông điệp văn hóa đến từng du khách. Cần xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển kinh doanh món bánh mì gắn liền với hoạt động du lịch. Thúc đẩy quảng bá bánh mì thông qua các lễ hội, hội chợ, qua các phương tiện truyền thông, qua các cán bộ làm việc trong ngành du lịch”, bà Hương đề xuất.

Hội thảo thu hút khá nhiều sinh viên ngành du lịch tại các trường đại học tham gia.

Hội thảo thu hút khá nhiều sinh viên ngành du lịch tại các trường đại học tham gia.

Bên cạnh đó, tại cuộc hội thảo ThS Nguyễn Trung Nam, Giảng viên trường Đại học Văn hóa TP.HCM cũng cho biết bánh mì Việt Nam được đánh giá cao về hương vị và tính tiện lợi. Những phản hồi của du khách quốc tế cho thấy bánh mì Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người và trở thành một điểm đến ẩm thực hấp dẫn tại TP.HCM.

Vì thế việc thúc đẩy văn hóa ẩm thực và giới thiệu bánh mì Việt Nam cho du khách quốc tế sẽ giúp tăng cường sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam và làm nổi bật hơn văn hóa ẩm thực Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Sài gòn - “kinh đô” của bánh mì Việt Nam

Sài Gòn là mảnh đất đã hội tụ đủ các dòng bánh mì khắp cả nước, bánh mì du nhập từ các nước với đủ các loại biến tấu, từ bình dân đến cao cấp.

Bánh mì Sài Gòn có mặt ở muôn nẻo đường phố, từ những cửa hàng sang trọng, danh giá như Như Lan, Brodard, Huỳnh Hoa… cho đến những xe bánh mì ở đầu hẻm, xe đẩy (bánh mì thịt nướng), xe máy, xe đạp bán dạo... Những hàng thịt heo quay, vịt quay như ở đường Tạ Uyên (quận 11), đường Nguyễn Trãi (quận 5)… luôn bán kèm với bánh mì, bánh hỏi, khách khỏi phải đi đâu xa...

Sự tiện lợi của “cơm tay cầm” nhanh chóng, giá cả bình dân, dễ kết hợp trong việc “phối” các nhân bánh. Với giới trẻ, bánh mì cũng thể hiện trào lưu trong việc tiếp nhận các giá trị ẩm thực mới, phần nào đáp ứng nhu cầu có thực của thời đại.

Sài Gòn xứng danh là “thủ đô” của bánh mì của cả nước từ việc là nơi tiên phong, khởi phát loại thực phẩm này, cho đến độ mở gần như không giới hạn trong việc tiếp nhận những cái mới ở loại thực phẩm đường phố này. Một di sản ẩm thực xứng đáng được vinh danh bởi đóng góp của nó trên bản đồ ẩm thực thế giới!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm